QUỐC HỘI
--------
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Luật số:
13/2022/QH15
|
Hà Nội,
ngày 14 tháng 11 năm 2022
|
LUẬT
PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi
phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo
lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình,
cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia
đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục,
kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
2. Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực
gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng phương tiện,
công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
3. Nơi tạm lánh là địa điểm để bảo
đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình.
4. Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng
xử, kiềm chế cảm xúc tiêu cực, kiểm soát hành vi, giải
quyết mâu thuẫn giúp người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt bạo lực
gia đình.
Điều 3. Hành vi bạo lực gia đình
1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến
sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực
thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia
đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng
tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm
sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của
thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp
pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông,
bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật
cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân
phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc
chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem
hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài
sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học
tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm
soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình
trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
2. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ,
con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ
chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được
xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.
Điều 4. Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình
1. Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.
2. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ
em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia
đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao
tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện
bình đẳng giới.
3. Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa
giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp
luật. Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý
phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người
được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.
5. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng
phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
6. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng.
7. Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối
với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ
trang nhân dân.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình
1. Hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 của Luật
này.
2. Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực
hiện hành vi bạo lực gia đình.
3. Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh
nhằm kích động bạo lực gia đình.
4. Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người
phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
5. Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành
vi bạo lực gia đình.
6. Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi
trái pháp luật.
7. Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật
đối với hành vi bạo lực gia đình.
Điều 6. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống
bạo lực gia đình; ưu tiên vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ, tặng cho, đóng
góp, hỗ trợ, ủng hộ, đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm
cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; hợp tác quốc tế về phòng,
chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình tư vấn xây dựng gia đình
hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình;
phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng,
chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.
3. Khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia
đình; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phòng, chống bạo lực gia
đình.
4. Biểu dương, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong
phòng, chống bạo lực gia đình; có chế độ hỗ trợ để bù đắp tổn hại về
sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản cho cá
nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Hỗ trợ việc bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với người làm công
tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 7. Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình
1. Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức vào
tháng 6 hằng năm để thúc đẩy hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và tôn
vinh giá trị gia đình.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ
chức có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Tháng
hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 8. Hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện trên
nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, phù hợp với pháp
luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
2. Nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình bao
gồm:
a) Tham gia tổ chức quốc tế; ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận
quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình;
b) Xây dựng và thực hiện chương trình, dự án, hoạt động về phòng, chống bạo
lực gia đình;
c) Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình;
d) Nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực về phòng, chống bạo lực
gia đình.
Điều 9. Quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình
1. Người bị bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức
khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác
có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;
b) Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn
chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật này;
c) Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông
tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo quy
định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với
bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội theo quy định của
pháp luật;
đ) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu
quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và
thiệt hại về tài sản;
e) Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá
trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình,
xử lý hành vi bạo lực gia đình;
g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật
về phòng, chống bạo lực gia đình;
h) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng,
chống bạo lực gia đình.
2. Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp
luật của người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác,
kịp thời thông tin liên quan đến hành vi bạo lực
gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Điều 10. Trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình
1. Người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm sau đây:
a) Chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;
b) Chấp hành yêu cầu, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn
chặn, bảo vệ, hỗ trợ và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống
bạo lực gia đình;
c) Kịp thời đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu, điều trị. Chăm
sóc người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia
đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo
lực gia đình từ chối;
d) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị
bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức, cá nhân khác.
2. Người có hành vi bạo lực gia đình là người giám hộ hoặc người đại diện
theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình thì không được thực hiện quyền của
người giám hộ, người đại diện theo pháp luật quy định của Luật này đối với vụ
việc bạo lực gia đình do mình thực hiện.
Điều 11. Trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia
đình
1. Giáo
dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng,
chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và quy định
khác của pháp luật có liên quan.
2. Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên
gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo
lực gia đình; tham gia chăm sóc người bị bạo lực gia đình.
3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng
dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Thực hiện các biện pháp
trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 12. Quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia
đình
1. Được khen thưởng khi có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình
theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; được bảo vệ, giữ bí mật về
thông tin cá nhân khi báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình; được Nhà nước hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe,
tính mạng và thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống bạo
lực gia đình theo quy định của Chính phủ.
2. Cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm sau đây:
a) Báo tin, tố giác ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm
quyền quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này;
b) Tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình và các hoạt động
phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.
Chương II
PHÒNG NGỪA BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 13. Mục đích, yêu cầu trong thông tin, truyền thông, giáo dục
1. Thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm
nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử, góp phần xóa bỏ bạo
lực gia đình.
2. Việc thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình
phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Thường xuyên, chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực;
b) Phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, dân
tộc, tôn giáo, địa bàn; chú trọng đến trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ
nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật,
người không có khả năng tự chăm sóc, người sống ở vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó
khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
c) Chú trọng thay đổi hành vi của người có hành vi bạo lực gia đình, người
thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử
về giới, giới tính, định kiến giới;
d) Bình đẳng giới, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của
người bị bạo lực gia đình và những người có liên quan;
đ) Bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá
nhân và bí mật gia đình.
Điều 14. Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục
1. Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Quyền con người, quyền công dân, bình đẳng giới trong gia
đình.
3. Truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam; gương người
tốt, việc tốt trong xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo
lực gia đình.
4. Kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử trong gia đình; kỹ
năng bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; phòng ngừa, ngăn
chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình.
5. Kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình trong nước và quốc tế.
6. Nội dung khác liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 15. Hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục
Thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình được
thực hiện thông qua các hình thức sau đây:
1. Hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; phổ biến pháp luật
trực tiếp;
2. Phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô,
áp-phích, tranh cổ động;
3. Lồng ghép trong chương trình và hoạt động tại cơ sở giáo dục;
4. Tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông;
5. Lồng ghép trong hoạt động văn học, nghệ thuật, thể thao, sinh
hoạt đoàn thể, cộng đồng dân cư; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình;
6. Hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 16. Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Nội dung tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm:
a) Thông tin, kiến thức, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia
đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới và quy định của pháp
luật có liên quan; quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia
đình, thành viên khác trong gia đình;
b) Kỹ năng ứng xử trong gia đình, tổ chức đời sống gia đình, xây dựng gia
đình hạnh phúc, xử lý khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình, chăm sóc người
bị bạo lực gia đình.
2. Việc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình tập trung vào các đối tượng
sau đây:
a) Người bị bạo lực gia đình;
b) Người có hành vi bạo lực gia đình;
c) Trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi,
người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc;
người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn;
d) Người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt
đối xử về giới, giới tính, định kiến giới;
đ) Người chuẩn bị kết hôn.
3. Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với Hội Liên
hiệp Phụ nữ cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hướng
dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng,
chống bạo lực gia đình cho người thực hiện tư vấn về phòng, chống bạo
lực gia đình ở cơ sở.
Điều 17. Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình
1. Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc
người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn,
tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái
diễn hành vi bạo lực gia đình.
Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế
biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.
2. Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình phải
bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Chủ động, kịp thời, kiên trì;
b) Tôn trọng sự tự nguyện của các bên và an toàn của người bị bạo lực gia
đình;
c) Khách quan, bình đẳng, có lý, có tình, phù hợp với quy định của pháp
luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam;
d) Bảo đảm bí mật thông tin về đời sống riêng tư của các thành viên
gia đình được hòa giải;
đ) Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi
ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
Điều 18. Chủ thể tiến hành hòa giải
1. Thành viên gia đình, dòng họ có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh
chấp nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình phát sinh
hoặc tái diễn.
Trong trường hợp cần thiết có thể mời chức sắc tôn giáo, già
làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người
thân, người trong cơ quan, tổ chức của chủ thể có mâu thuẫn, tranh
chấp và người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về công tác
xã hội, tâm lý học, người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bạo
lực gia đình tham gia hòa giải.
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức hòa giải mâu thuẫn,
tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức đó với thành viên gia
đình của họ khi có đề nghị của thành viên gia đình; trường hợp cần
thiết thì phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để hòa giải.
3. Tổ hòa giải ở cơ sở có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp và vi
phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật Hòa giải
ở cơ sở.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối
hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức, cá nhân
khác hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo
lực gia đình cho hòa giải viên của Tổ hòa giải ở cơ sở.
Chương III
BẢO VỆ, HỖ TRỢ, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Mục 1. BÁO TIN VÀ XỬ LÝ TIN BÁO, TỐ GIÁC VỀ HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 19. Báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình
1. Địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực
gia đình bao gồm:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực
gia đình;
b) Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
c) Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;
d) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu
dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
đ) Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
e) Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực
gia đình.
2. Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực
gia đình đến địa chỉ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo các hình thức
sau đây:
a) Gọi điện, nhắn tin;
b) Gửi đơn, thư;
c) Trực tiếp báo tin.
3. Chính phủ quy định về tổng đài điện thoại quốc
gia về phòng, chống bạo lực gia đình để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố
giác về hành vi bạo lực gia đình.
Điều 20. Xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình
1. Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình khi nhận tin báo, tố giác thì trong phạm vi quyền hạn của
mình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền; đồng thời, thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
2. Tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm c,
d, đ và e khoản 1 Điều 19 của Luật này khi nhận tin
báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải thông báo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo
lực gia đình.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân
công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực
gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực
gia đình của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ
trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực
gia đình mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con
dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả
năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã
hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo
lực thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công Công an xã, phường, thị
trấn (sau đây gọi chung là Công an xã) xử lý.
4. Trường hợp tin báo, tố giác về tội phạm thì việc tiếp nhận và xử
lý tin báo, tố giác được thực hiện theo quy định của pháp
luật về tố tụng hình sự.
5. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành
vi bạo lực gia đình thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 21. Sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình
1. Người có âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực
gia đình có quyền cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm
quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.
2. Việc sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực
gia đình trong quá trình giải quyết vụ việc bạo lực
gia đình và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, internet phải
được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện
theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp pháp
luật có quy định khác.
Mục 2. NGĂN CHẶN HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH; BẢO VỆ, HỖ TRỢ NGƯỜI BỊ BẠO LỰC
GIA ĐÌNH, NGƯỜI THAM GIA PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 22. Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ
người bị bạo lực gia đình
1. Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực
gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm:
a) Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;
b) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy
ra hành vi bạo lực gia đình;
c) Cấm tiếp xúc;
d) Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;
đ) Chăm sóc, điều trị người bị bạo
lực gia đình;
e) Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó
với hành vi bạo lực gia đình;
g) Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;
h) Góp ý, phê bình người có hành vi bạo
lực gia đình trong cộng đồng dân cư;
i) Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng;
k) Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo
quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn
chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối
với người có hành vi bạo lực gia đình.
2. Việc áp dụng biện pháp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e,
g, h và i khoản 1 Điều này đối với người nước ngoài cư trú tại Việt
Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 23. Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình
1. Người có thẩm quyền giải
quyết vụ
việc bạo lực gia đình được áp dụng ngay
các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để chấm dứt hành
vi bạo lực gia đình.
2. Người có mặt tại nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình theo khả
năng của mình và tính chất của hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm yêu cầu
người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình.
Điều 24. Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã
nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình
1. Khi được phân công giải quyết vụ việc, Trưởng Công an xã có
quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ
sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để làm rõ thông tin,
giải quyết vụ việc trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ
đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người
không có khả năng tự chăm sóc;
b) Khi có căn cứ cho rằng hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có thể tiếp tục
gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
2. Việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã
phải được lập biên bản và có người trong cộng đồng dân cư chứng kiến.
3. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành yêu cầu thì
Công an xã được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để đưa người
có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã.
Điều 25. Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực
gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 03
ngày trong các trường hợp sau đây:
a) Có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám
hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình
hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gia
đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính
mạng của người bị bạo lực gia đình.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị thì
phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám
hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình;
b) Hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị quy định
tại điểm a khoản 1 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra
quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ
chức, người đề nghị biết.
3. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban
hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực
gia đình, Trưởng Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư
trú của người bị bạo lực gia đình.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc có thẩm
quyền hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc. Việc hủy bỏ quyết định cấm
tiếp xúc thực hiện trong trường hợp sau đây:
a) Có yêu cầu của người đề nghị ra quyết định cấm tiếp xúc quy định tại
điểm a khoản 1 Điều này;
b) Người bị bạo lực gia đình, người
giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia
đình không đồng ý với quyết định cấm tiếp
xúc quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Khi xét thấy biện pháp này không còn cần thiết.
5. Khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia
đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người
bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.
6. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm
tiếp xúc thì bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành
chính để ngăn chặn bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.
7. Trường hợp gia đình có việc cưới, việc tang hoặc trường hợp đặc
biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình cần tiếp xúc
với người bị bạo lực gia đình thì người có hành vi bạo lực gia đình phải
thông báo với người được phân công giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc và cam
kết không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 26. Cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án
1. Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực
gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 04 tháng khi có đủ các điều kiện
sau đây:
a) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức
khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình;
b) Có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám
hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia
đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có đơn yêu cầu
thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người
giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình.
2. Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân
sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có
hành vi bạo lực gia đình tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 04 tháng khi cần bảo vệ tính mạng
của người bị bạo lực gia đình.
3. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban
hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực
gia đình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an
xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực
gia đình và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
4. Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc
quy định tại khoản 1 Điều này hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc khi
có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám
hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia
đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
5. Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc quy
định tại khoản 2 Điều này hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc khi xét
thấy biện pháp này không còn cần thiết.
6. Trường hợp gia đình có việc cưới, việc tang hoặc trường hợp đặc
biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình cần tiếp xúc với người
bị bạo lực gia đình thì người có hành vi bạo lực gia đình phải thông
báo với người được phân công giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc và
cam kết không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
7. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện
pháp cấm tiếp xúc quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của pháp
luật về tố tụng dân sự.
Điều 27. Giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc
1. Khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc quy định tại Điều 25 và Điều
26 của Luật này, Công an xã chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, Tổ
trưởng tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở để giám sát việc
thực hiện quyết định cấm tiếp xúc và phân công người giám sát việc thực
hiện quyết định cấm tiếp xúc.
2. Người được phân công giám sát có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện quyết
định cấm tiếp xúc. Khi phát hiện người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm
quyết định cấm tiếp xúc, người được phân công giám sát có quyền yêu cầu người
có hành vi bạo lực gia đình thực hiện nghiêm quyết định cấm tiếp xúc;
trường hợp tiếp tục vi phạm thì báo cho Trưởng Công an xã xử lý theo
quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp xúc với
người bị bạo lực gia đình quy định tại khoản 7 Điều 25 và
khoản 6 Điều 26 của Luật này thì thành viên khác của gia đình
có trách nhiệm giám sát để bảo đảm không xảy ra hành vi bạo lực gia
đình.
Điều 28. Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu
1. Người bị bạo lực gia đình được bố trí nơi tạm lánh do Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã quyết định hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện hỗ trợ.
2. Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ nhu cầu thiết
yếu theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội.
Điều 29. Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:
a) Tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, chăm sóc, điều trị người bệnh là
người bị bạo lực gia đình;
b) Cung cấp thông tin về tình trạng tổn hại sức khỏe của
người bị bạo lực gia đình theo đề nghị của người đó hoặc của cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
2. Nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh, nếu
phát hiện người bệnh có dấu hiệu bị bạo lực gia đình có trách nhiệm báo
cáo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại các điểm a, c,
đ và e khoản 2 Điều 35 của Luật này căn cứ chức năng, nhiệm vụ có
trách nhiệm chăm sóc người bị bạo lực gia đình.
4. Người đứng đầu cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình có trách
nhiệm thông báo cho Công an xã nơi đặt cơ sở về trường hợp người được chăm
sóc, điều trị có dấu hiệu bị bạo lực gia đình để bảo vệ, xử lý theo quy định
của pháp luật.
Điều 30. Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực
gia đình
1. Người bị bạo lực gia đình được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà
nước hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ trợ giúp
pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
2. Người bị bạo lực gia đình được cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, kỹ
năng để ứng phó với bạo lực gia đình theo quy định của Chính
phủ.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn miễn
phí cho người bị bạo lực gia đình.
Điều 31. Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình
1. Người có hành vi bạo lực gia đình được giáo dục, hỗ trợ chuyển
đổi hành vi bạo lực gia đình; tham gia dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi
hành vi bạo lực gia đình do cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình cung cấp.
2. Nội dung giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và biện pháp xử
lý người có hành vi bạo lực gia đình;
b) Nhận diện các hành vi bạo lực gia đình và trách nhiệm của người có hành
vi bạo lực gia đình;
c) Kỹ năng ứng xử, phòng ngừa, xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình;
d) Kiến thức và kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình; giải
tỏa áp lực, căng thẳng;
đ) Các nội dung khác.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và tổ chức thực
hiện việc giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình đối với người có
hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 32. Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng
dân cư
1. Biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng
đồng dân cư được thực hiện đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên trong các trường
hợp sau đây:
a) Có hành vi bạo lực gia đình từ 02 lần trở lên trong thời gian
12 tháng mà chưa đến mức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp
dụng biện pháp xử lý hành chính;
b) Có hành vi bạo lực gia đình đã bị xử phạt vi
phạm hành chính mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình.
2. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng Ban công
tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức việc góp ý, phê bình người có hành
vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư. Thành phần tham gia góp ý, phê
bình bao gồm:
a) Người có hành vi bạo lực gia đình;
b) Đại diện gia đình;
c) Đại diện Công an xã;
d) Đại diện tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi người có hành
vi bạo lực gia đình hoặc người bị bạo lực gia đình cư trú là thành viên;
đ) Thành phần khác do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mời.
3. Nội dung góp ý, phê bình bao gồm:
a) Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình;
b) Cung cấp các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
c) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình cam kết không tái diễn hành vi
bạo lực gia đình.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư
trú quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi
bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư trên cơ sở đề xuất của người được phân
công xử lý hành vi bạo lực gia đình.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú có
trách nhiệm tạo điều kiện cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ
chức việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân
cư.
6. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều
này tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng quy định tại Điều 33 của
Luật này thì không áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.
Điều 33. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng
1. Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ
cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú, bao
gồm:
a) Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm
sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng
đồng hoặc công trình công cộng khác;
b) Tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của
cộng đồng.
2. Danh mục công việc quy định tại khoản 1 Điều này do Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo
quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư
trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công
việc phục vụ cộng đồng.
Điều 34. Bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo
tin, tố giác về bạo lực gia đình
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức các biện pháp bảo
vệ người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người báo tin, tố
giác về bạo lực gia đình.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia
đình có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người báo tin, tố giác.
Mục 3. CƠ SỞ TRỢ GIÚP PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 35. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
1. Cơ sở trợ giúp phòng, chống
bạo lực gia đình thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ
nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực
gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành
vi bạo lực gia đình.
2. Cơ sở trợ giúp phòng, chống
bạo lực gia đình bao gồm:
a) Địa chỉ tin cậy;
b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
c) Cơ sở trợ giúp xã hội;
d) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;
đ) Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình;
e) Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 36. Địa chỉ tin cậy
1. Địa chỉ tin cậy là tổ chức, cá nhân có uy tín, khả năng và tự nguyện
giúp đỡ người bị bạo lực gia đình.
2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này thông báo với Ủy ban nhân
dân cấp xã về việc nhận làm địa chỉ tin cậy. Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh
sách và công bố địa chỉ tin cậy trong địa bàn quản lý; hướng dẫn, tổ chức việc
tập huấn cho địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Khi tiếp nhận người bị bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy phải thông báo
cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ kinh phí cho địa chỉ
tin cậy theo quy định của pháp luật.
4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của
Mặt trận, các tổ chức xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, vận động tổ chức, cá
nhân tham gia làm địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư.
Điều 37. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện
việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh là người bị bạo lực gia đình theo quy
định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.
2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập,
tùy theo điều kiện thực tế bố trí nơi tạm lánh cho người bệnh là người bị bạo
lực gia đình trong thời gian không quá 01 ngày theo yêu cầu của người bị bạo
lực gia đình.
Điều 38. Cơ sở trợ giúp xã hội, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ
chức tham gia trợ giúp pháp lý
1. Cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc chăm sóc và hỗ trợ các điều kiện
cần thiết khác cho người bị bạo lực gia đình trong thời gian người bị bạo lực
gia đình lưu trú tại cơ sở theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý
thực hiện cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình theo
quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Điều 39. Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho cá nhân,
tổ chức tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình đăng ký về
nội dung, phạm vi hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.
Điều 40. Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
1. Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình do cơ
quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động
không vì mục đích lợi nhuận để cung cấp một hoặc một số dịch vụ, hoạt động
sau đây:
a) Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;
b) Nơi tạm lánh và nhu cầu thiết yếu khác cho người bị bạo lực
gia đình;
c) Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;
d) Chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh lý về tâm thần cho người bị bạo lực
gia đình;
đ) Hoạt động khác liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Người đứng đầu cơ sở có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình
độ từ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo liên quan đến dịch vụ
đăng ký tham gia cung cấp, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự
hoặc chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình;
b) Nhân viên trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng,
chống bạo lực gia đình phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, đã được bồi
dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền tổ chức hoặc cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép
tổ chức;
c) Trường hợp cơ sở cung cấp nơi tạm lánh cho người bị bạo lực
gia đình hoặc cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi phải có cơ
sở vật chất và địa điểm bảo đảm yêu cầu.
3. Cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này đăng ký nội dung, phạm vi hoạt động
với cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện
dịch vụ, hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này được ưu đãi thuế, phí, tín
dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; quy định thẩm
quyền, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập
của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
Mục 4. XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 41. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về
phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử
lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự,
nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người bị xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia
đình là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân
thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.
Chương IV
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 42. Kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình
1. Nguồn tài chính phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Nguồn viện trợ, tài trợ, tặng cho, đóng góp, hỗ trợ, ủng
hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định
của pháp luật;
c) Các nguồn tài chính hợp pháp khác.
2. Ngân sách nhà nước cho phòng, chống bạo lực
gia đình được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan, tổ chức
chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia
đình.
3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này
và nội dung chi, mức chi hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình được ngân sách
nhà nước bảo đảm hằng năm.
Điều 43. Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình là tập
hợp thông tin về nội dung quy định tại Điều 46 của Luật này.
2. Việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình
được thực hiện như sau:
a) Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được liên thông với cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan đến
phòng, chống bạo lực gia đình;
b) Thông tin trong cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có giá trị pháp lý;
c) Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình là tài sản của Nhà nước
phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; nghiêm cấm mọi hành vi truy cập
trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong cơ sở dữ liệu về phòng, chống
bạo lực gia đình;
d) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu về thông tin, dữ liệu về phòng, chống bạo
lực gia đình được khai thác, sử dụng qua cổng thông tin về phòng, chống bạo lực
gia đình ở trung ương, địa phương; khi thực hiện khai thác thông tin, dữ
liệu về phòng, chống bạo lực gia đình phải thực hiện đúng quy định
của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 44. Phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp với người đứng
đầu cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình cùng cấp để triển
khai, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Việc phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, bảo đảm chủ
động, hiệu quả; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức tham gia
phối hợp liên ngành.
3. Hoạt động phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình ở trung
ương và địa phương được thực hiện theo quy chế phối hợp liên ngành và quy
chế hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp do
Thủ tướng Chính phủ quy định.
Điều 45. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia
đình
1. Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được bồi dưỡng kiến thức,
kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình và kiến thức, kỹ năng cần thiết khác
có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Công
an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở
khu dân cư, Chi hội trưởng của các đoàn thể và Ban Chỉ đạo công tác gia
đình được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng
giới trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Chương V
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO
LỰC GIA ĐÌNH
Điều 46. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính
sách, pháp luật, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống
bạo lực gia đình.
3. Thực hiện công tác thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình.
6. Khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống
bạo lực gia đình.
7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp
luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 47. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo
lực gia đình
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình;
định kỳ 02 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội về công
tác phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực
hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và điều phối liên
ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có
trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; thực
hiện công tác thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm quản
lý của mình và gửi kết quả đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có
trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa
phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác thống kê về phòng, chống
bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm quản lý của mình và gửi kết quả đến Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 48. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng,
chống bạo lực gia đình.
2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện
văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia
đình; phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn tư vấn,
thông tin, giáo dục, truyền thông; biên soạn tài liệu mẫu để tuyên
truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức bồi dưỡng
kiến thức, kỹ năng đối với người làm công tác phòng, chống bạo lực
gia đình.
5. Chủ trì, phối hợp thực hiện công tác thống kê và quản
lý cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.
6. Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện thanh
tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
7. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia
đình.
8. Chỉ đạo xây dựng, thực hiện, tổng kết kinh nghiệm, nhân rộng mô hình
phòng, chống bạo lực gia đình.
9. Hướng dẫn việc đưa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình
vào hương ước, quy ước cộng đồng dân cư.
Điều 49. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
1. Bộ Y tế có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về chăm sóc, điều
trị đối với người bệnh là người bị bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh;
b) Hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện thống kê, báo cáo các
trường hợp người bệnh là người bị bạo lực gia đình;
c) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhân viên y tế thực hiện tư
vấn, chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban
hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở trợ giúp xã hội; hướng dẫn việc tiếp
nhận, trợ giúp người bị bạo lực gia đình tại cơ sở trợ giúp xã hội;
b) Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào chương
trình, kế hoạch về bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết
tật, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, giảm nghèo và phòng, chống tệ
nạn xã hội;
c) Hướng dẫn cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện thống kê, báo cáo các trường
hợp người bị bạo lực gia đình được tiếp nhận và trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã
hội.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương
trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học;
b) Hướng dẫn cơ sở giáo dục tiếp nhận, phát hiện, hỗ trợ người học bị bạo
lực gia đình.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin, tuyên truyền chính
sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan phát hiện và
ngăn chặn các thông tin, hình ảnh, dữ liệu trên không gian mạng, trên báo
chí, trong các trò chơi điện tử và các ấn phẩm xuất bản nhằm kích động bạo lực
gia đình.
5. Bộ Tư pháp có trách nhiệm sau đây:
a) Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình,
bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên, người thực hiện trợ
giúp pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình;
b) Hướng dẫn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ
giúp pháp lý thực hiện báo cáo thống kê trường hợp người bị bạo lực
gia đình được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp
pháp lý.
6. Bộ Công an có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành văn bản hướng dẫn công tác giám sát việc thực hiện quyết định
cấm tiếp xúc;
b) Chỉ đạo lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương
trình đào tạo, bồi dưỡng trong các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý;
c) Chủ trì, phối hợp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho lực lượng Công an
nhân dân thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
d) Hướng dẫn việc thực hiện thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình thuộc
trách nhiệm quản lý.
7. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực
hiện tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia
đình.
Điều 50. Trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp
1. Chỉ
đạo, tổ chức thực hiện nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực
gia đình theo thẩm quyền tại địa phương.
2. Bố trí kinh phí, nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng,
chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý theo quy định của Luật này.
3. Hằng
năm, Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp
về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.
Điều 51. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp
1. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình.
2. Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi
vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình
cho Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên.
4. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ
quan, tổ chức có liên quan thực hiện tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp
luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Thực hiện công tác thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình thuộc trách
nhiệm của mình và gửi kết quả đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 52. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành
viên
1. Giám sát, phản biện xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội trong
xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên thành viên, hội viên,
quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và quy
định khác của pháp luật có liên quan. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục kỹ năng
kiểm soát hành vi bạo lực gia đình trong cơ quan, tổ chức mình và Nhân dân.
3. Kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan nhà nước có liên quan để
thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và quy định khác của pháp
luật có liên quan; tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc, hỗ trợ và
bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
4. Chủ trì, phối hợp phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật
này.
Điều 53. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 52 của Luật này.
2. Tư vấn, tham gia hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở; tổ
chức thực hiện, kết nối, giới thiệu dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực gia
đình.
3. Tổ chức hoạt động hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm hoặc hỗ trợ khác cho
người bị bạo lực gia đình.
4. Chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực
gia đình thuộc phạm vi quản lý; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia
đình.
5. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo vệ, hỗ
trợ người bị bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em.
6. Phối hợp tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình và gửi kết
quả đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 54. Trách nhiệm của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ
chức kinh tế
1. Tham gia giám sát việc thực hiện Luật này.
2. Vận động, ủng hộ nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực
gia đình.
3. Tham gia tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, quần chúng nhân
dân cam kết không có hành vi bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh
phúc.
4. Tham gia tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ
người bị bạo lực gia đình, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình.
5. Tiếp nhận, thu thập thông tin từ thành viên, hội viên, quần chúng nhân
dân và xã hội để phản ánh, kiến nghị, tư vấn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân về
việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 55. Sửa đổi, bổ sung Điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự
Sửa đổi, bổ
sung Điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 đã
được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Bộ luật số 45/2019/QH14 và Luật số
59/2020/QH14 như sau:
“Điều 135. Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tòa án tự
mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản
1, 2, 3, 4, 5 và 14 Điều 114 của Bộ luật này trong trường hợp đương
sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”.
Điều 56. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
2. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 hết hiệu lực kể từ
ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV,
kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Vương Đình Huệ
|