Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã xây dựng các đề án và kế hoạch phát triển kinh tế; giao Ban nông nghiệp xã phối hợp với HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã xây dựng các đề án phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã, chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. Với tinh thần cần cù, chịu khó, cán bộ, đảng viên trong xã tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế theo tăng trưởng khá và ổn định. Đặc biệt năm 2020, nhân dân trong xã đã tập trung sản xuất cây màu với tổng diện tích 195ha. Trong đó, cây thực phẩm như rau, đậu 165ha (riêng cây cà chua chính vụ chiếm 135ha), năng suất bình quân thu hoạch đạt 40 tấn/ha, sản lượng đạt 5.400 tấn… Riêng trong lĩnh vực thủy sản, nhân dân trong xã duy trì nghề khai thác thuỷ sản ven bờ và nuôi thả các loại con nuôi đa dạng phù hợp với môi trường trong các vùng sản xuất. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản của xã đạt 340ha; tổng sản lượng nuôi trồng thủy hải sản đạt 675 tấn; sản lượng khai thác đạt 1.406 tấn. Trong đó, diện tích nuôi nước mặn, lợ 317ha. Các hộ dân đã tập trung nuôi tôm các loại với diện tích 150ha sản lượng bình quân mỗi năm đạt 175 tấn. Các con nuôi khác như: Cua, cá bống bớp, cá vược, cá trắm đen với diện tích 182ha, sản lượng đạt 483 tấn/năm. Tổng giá trị sản xuất nuôi trồng và khai thác đạt 227,2 tỷ đồng. Điển hình như hộ gia đình ông Trần Văn Lợi, ở xóm 3 chuyên cung cấp giống cá bống bớp cho các hộ nuôi trên địa bàn. Với diện tích hơn hơn 4.000m2 ông đầu tư ao nuôi, bể ương cá giống đảm bảo đúng quy trình. Theo ông Lợi, cá bống bớp là loài cá nước mặn, đánh bắt tự nhiên ngoài biển, được người dân thuần hóa trở thành cá nước lợ. Hiện tại, giá cá bống bớp xuất bán tại đầm khoảng 250-300 nghìn đồng/kg tùy theo kích cỡ. Với năng suất trung bình từ 7,5-8 tấn/ha; doanh thu bình quân đạt 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm nên diện tích nuôi cá bống bớp ở Nam Điền ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Văn Cầu chuyên nuôi cá bống bớp thương phẩm với diện tích ao nuôi hơn 1ha; anh Lê Văn Toản vừa nuôi cá bống bớp, vừa nuôi cá mú. Đặc biệt là với lợi thế giáp biển, có vùng bãi đầm rộng hàng trăm ha; trong đó, xã Nam Điền được huyện Nghĩa Hưng giao quản lý hơn 120ha khu vực đầm bãi Cồn Xanh. Hiện diện tích này xã đã cho 194 hộ đấu thầu theo quy định trong thời gian 2 năm để nuôi thủy sản. Con nuôi chủ yếu ở vùng này là 70% diện tích nuôi cá mú, cá bống bớp, 30% còn lại nuôi tôm, cua. Tiêu biểu như hộ ông Đặng Văn Sinh, xóm 3 đã tập trung các nguồn lực để đầu tư nuôi cá bống bớp, tôm xen canh cá mú trên diện tích gần 1,8ha. Bình quân hàng năm, gia đình ông đạt sản lượng gần 20 tấn thu nhập sau khi trừ chi phí đạt trên 500 triệu đồng. Ngoài nuôi trồng thủy sản, toàn xã còn 6 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ, 16 tàu thuyền đánh cá ven bờ tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Để hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế, Đảng ủy xã Nam Điền chỉ đạo các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã hướng dẫn hội viên, đoàn viên làm các thủ tục để được vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Đến nay, tổng dư nợ toàn xã tại các ngân hàng, quỹ tín dụng là 198,95 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng NN và PTNT có 119 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các chương trình an sinh xã hội, Quỹ TYM có 21,95 tỷ đồng; dư nợ Quỹ tín dụng nội bộ HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Điền có 20 tỷ đồng… tạo điều kiện cho hơn 700 lượt hộ vay phát triển kinh tế. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Điền cho biết: “Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền xã và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, kinh tế - xã hội ở Nam Điền tiếp tục có hướng phát triển mạnh. Định hướng phát triển kinh tế của địa phương trong năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó mũi nhọn là phát triển kinh tế thủy sản và trồng màu, tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ”. Đảng bộ xã xác định, lĩnh vực khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản là khâu đột phá để đưa kinh tế của địa phương phát triển, trong đó phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh, gắn nuôi trồng - khai thác với sơ chế, tiêu thụ để nâng cao giá trị kinh tế thủy sản./.